Gắn chặt đào tạo với việc làm

Thay đổi phương thức đào tạo, cam kết việc làm, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp... đang là xu hướng hoạt động hiệu quả của các trường, nhất là trường nghề

UBND TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, nguồn nhân lực qua đào tạo đạt 87% và đến năm 2030 đạt 89%. Thành phố đang rất quan tâm đến lĩnh vực công nghệ cao, ưu tiên đào tạo tự động hóa, công nghệ sinh học nhằm cung cấp nhân lực cho quá trình sản xuất - kinh doanh của các nhà đầu tư chiến lược.

Nhiều trường nghề được "chọn mặt, gửi vàng"

Tại "Ngày hội kết nối doanh nghiệp (DN) và giới thiệu việc làm 2023" do Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (TP HCM) tổ chức, hơn 40 DN tham gia tuyển dụng hơn 3.000 vị trí việc làm, ở các ngành nghề như: cơ khí, điện - điện tử, ô tô, nhiệt lạnh, cơ điện tử, tự động hóa, điện tử truyền thông, kế toán, nguội sửa chữa, hàn, quản trị mạng máy tính, kỹ thuật sửa chữa lắp ráp máy tính, công nghệ - thông tin..., với mức thu nhập từ 8 - 35 triệu đồng/tháng cùng nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn.

Ông Trần Minh Đức, Trưởng Phòng thu hút nhân tài, Công ty CP Sản xuất Nhựa Duy Tân (quận Bình Tân, TP HCM), cho biết đến với ngày hội, ngoài tuyển dụng những vị trí cần thiết, DN còn thu thập được thông tin các ứng viên sáng giá, nhất là sinh viên (SV) giỏi để tạo nguồn cho những đợt tuyển dụng tiếp theo. "Nhiều năm nay, Duy Tân đã đặt mối quan hệ với các trường đào tạo để chủ động nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển chung. Các cơ sở đào tạo mới là kênh tuyển dụng hiệu quả và uy tín" - ông Đức nói.

Gắn chặt đào tạo với việc làm - Ảnh 1.

Học đi đôi với hành giúp sinh viên trường nghề nhanh chóng tiếp cận việc làm

TS Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết thời gian qua, nhà trường được nhiều DN "chọn mặt, gửi vàng" là nhờ đặt chất lượng đào tạo lĩnh vực kỹ thuật công nghệ và ngành trọng điểm khác làm trọng tâm. Đó cũng là động lực để trường không ngừng đổi mới trong đào tạo, có nhiều ngành đạt chuẩn quốc tế như: công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, kỹ thuật cơ khí đạt chuẩn kiểm định chất lượng ABET (Mỹ), cơ điện tử được công nhận bởi tổ chức KOSEN (Nhật Bản).

Nhà trường cũng lập ban cố vấn công nghiệp, trong đó thành viên là đại diện các DN có quan hệ hợp tác để xây dựng mục tiêu, chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra... nhằm đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của DN. "Để đáp ứng ngày càng cao của thị trường lao động chất lượng, trường rất chú trọng đào tạo về ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, vững kiến thức - giỏi tay nghề, có kỹ năng tư duy giải quyết vấn đề và kỹ năng sử dụng công nghệ mới" - TS Kha nhấn mạnh.

Trường CĐ Lý Tự Trọng (quận Tân Bình, TP HCM) cũng có tỉ lệ đạt SV tốt nghiệp có việc làm rất cao là nhờ chú trọng hợp tác DN, cam kết đầu ra chất lượng. Đại diện nhà trường cho biết SV được nhận kinh phí hỗ trợ từ 2 - 4 triệu đồng/tháng trong quá trình thực tập tại DN. Mức lương khởi điểm SV của trường đi làm chính thức nhận từ 8 - 15 triệu đồng/tháng. Hiện SV tốt nghiệp mỗi năm không đủ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các DN đang hợp tác với trường.

https://nld.com.vn/cong-doan/gan-chat-dao-tao-voi-viec-lam-20230928211858069.htm

Được đăng vào